Thông Tin Dinh Dưỡng

BẬT MÍ 7 NƯỚC ÉP TRÁI CÂY LÀ CỨU TINH CHO LÀN DA VÀ SỨC KHỎE

Ngày đăng:

15/01/2024

Với hương vị thơm ngon, nước ép trái cây là thức uống được nhiều người lựa chọn để bổ sung năng lượng cho cơ thể. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người chọn nước ép trái cây để bổ sung dưỡng chất cho cơ thể thay vì ăn trái cây tươi. Vậy nước ép trái cây có tốt không? Những loại nước ép hoa quả nào tốt cho sức khỏe? Cùng Vinamilk khám phá ngay!

Những loại nước ép trái cây bổ dưỡng cho sức khỏe

Nước ép trái cây có thực sự tốt cho sức khỏe và làn da 

1. Ép trái cây là gì?

Ép trái cây là quá trình lấy chiết xuất dạng nước từ các loại rau củ, trái cây tươi. Quá trình ép sẽ loại bỏ hầu hết các chất rắn, gồm phần thịt và hạt của quả, chỉ giữ lại phần chất lỏng giàu vitamin, khoáng chất cùng các hoạt chất chống oxy hóa. Bạn có thể ép trái cây bằng tay hoặc máy. Hiện nay, người ta thường sử dụng 2 loại máy ép chính:

  • Máy ép hoa quả ly tâm: Thiết bị này sử dụng lực ly tâm quay lưỡi dao với tốc độ cao để xay nhuyễn rau củ, hoa quả thành bã.
  • Máy ép hoa quả thủy lực lạnh: Sử dụng trục vít để nghiền nát rau quả một cách chậm rãi, đẩy phần nước ép ra ngoài.

Cho dùng chọn máy ép ly tâm hay máy ép thủy lực lạnh, thành phẩm nước ép trái cây thu được từ 2 thiết bị đều có giá trị dinh dưỡng tương tự nhau. Đây là loại thức uống chứa nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, nước ép từ một số loại hoa quả có thể chứa nhiều đường. Do đó, bạn nên cân nhắc sử dụng hợp lý, kết hợp cùng chế độ ăn uống lành mạnh để chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.

Tham khảo thêm: So sánh nước ép trái cây và sinh tố: Loại nào tốt hơn?

2. Uống nước ép trái cây có tốt không?

2.1 Thanh lọc và giải độc cơ thể

Có nhiều ý kiến cho rằng, nên loại bỏ hoàn toàn thức ăn rắn và chỉ uống nước ép trái cây nguyên chất trong vòng 3 ngày hoặc vài tuần để loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học cụ thể nào chứng minh rằng đây là nhận định đúng.

Cơ thể chúng ta có hệ thống giải độc tự nhiên rất hiệu quả, bao gồm gan, thận, ruột và da. Nước ép trái cây là nguồn bổ sung vitamin, khoáng chất dồi dào, cần thiết để hỗ trợ các cơ quan này hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, bạn cần kết hợp thêm các thực phẩm khác để cân bằng dinh dưỡng, cải thiện chức năng của cơ thể. 

Lưu ý: Nếu chỉ uống nước ép nguyên chất, bạn sẽ dễ bị mất nước, mệt mỏi, chóng mặt,... do thiếu hụt dinh dưỡng.

2.2 Bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày

Nếu bạn là người ít hoặc không ăn rau củ, trái cây, hãy cân nhắc lựa chọn nước ép trái cây tươi để bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày. Không chỉ thơm ngon, dễ uống, loại nước này sẽ giúp cung cấp đầy đủ các vitamin, khoáng chất cần thiết như rau quả tươi cho cơ thể của bạn. 

Tuy nhiên, quá trình ép sẽ lấy đi phần lớn lượng chất xơ có trong hoa quả, rau củ. Bên cạnh đó, lượng đường vốn có trong hoa quả sẽ được giữ lại theo phần nước ép. Do đó, bạn nên lựa chọn các loại nước ép trái cây tươi 100% không đường bổ sung để hạn chế việc tiêu thụ đường. Ngoài ra, hãy kết hợp cùng các loại thực phẩm nhiều chất xơ khác để cải thiện tiêu hóa và hỗ trợ kiểm soát đường huyết nhé!

Bổ sung nước ép giúp cơ thể thu nạp nhiều dưỡng chất

Bổ sung nước ép trái cây vào chế độ ăn hàng ngày cung cấp dưỡng chất cho cơ thể

2.3 Bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể

Uống nước ép trái cây tươi là một cách tuyệt vời để tăng cường lượng vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa cho cơ thể. Bên cạnh đó, nước ép hoa quả cũng là nguồn cung cấp năng lượng nhanh chóng và dễ tiêu hóa. Sử dụng nước ép thường xuyên sẽ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, giảm nguy cơ mắc một số bệnh và hỗ trợ giảm cân hiệu quả.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Đại học Aberdeen, Vương quốc Anh, nhằm đánh giá tác động của thực đơn bổ sung nước ép trái cây đối với sức khỏe con người trong vòng 12 tuần. Kết quả chỉ ra, những người uống đều đặn 300ml nước ép mỗi ngày trong vòng 12 tuần đã tăng đáng kể lượng vitamin C, folate, beta - carotene, lutein/zeaxanthin trong huyết tương so với nhóm không bổ sung nước ép mỗi ngày.

Tham khảo ngay: 14 thực đơn nước ép trái cây mỗi ngày tốt cho cơ thể.

3. Nước ép trái cây có giúp chống lại bệnh tật không?

Với hàm lượng vitamin, khoáng chất dồi dào, nước ép trái cây có thể hỗ trợ cơ thể chống lại bệnh tật. Tuy nhiên, các nghiên cứu và bằng chứng khoa học về khả năng chống lại bệnh tật của nước ép vẫn còn khá hạn chế.

Nước ép chứa nhiều vitamin, khoáng chất, giúp cải thiện sức khỏe toàn diện của cơ thể. Bên cạnh đó, uống nước ép trái cây thường xuyên giúp làm giảm mức homocysteine, dấu hiệu của stress oxy hóa - những nguyên nhân chính gây ra các bệnh tim mạch. Không những vậy, hàm lượng polyphenol dồi dào trong nước ép hỗ trợ bảo vệ não, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ở người cao tuổi.

Tham khảo bài viết: Nước ép đóng chai có tốt không? Những lưu ý bạn cần biết

Nước ép trái cây cung cấp nhiều khoáng chất và vitamin

Uống nước ép trái cây hỗ trợ chống lại bệnh tật

4. 7 loại nước ép trái cây được bác sĩ khuyên dùng

4.1 Nước ép cà chua

Nước ép cà chua là nguồn bổ sung vitamin C dồi dào hỗ trợ cơ thể hấp thụ sắt, tăng cường miễn dịch và bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do. Bên cạnh đó, Lycopene có trong cà chua còn giúp bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Đặc biệt, trong nước ép cà chua chứa rất nhiều vitamin K, kali, magie giúp điều hòa huyết áp, hỗ trợ sản xuất protein và cải thiện sức khỏe hệ xương.

Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), 100g nước ép cà chua sẽ chứa khoảng 23 calo, 0.86g chất đạm, 0.29g chất béo, 4.32g carbohydrate, 0.4g chất xơ, 49.8mg Vitamin C , 9040µg Lycopene, 2.3µg Vitamin K, 19µg Folate, 6.8mg Choline, 270µg beta - carotene, 19mg photpho, 0.078mg riboflavin,...

Nước ép cà chua chứa nhiều dưỡng chất có lợi

Lycopene trong nước ép cà chua bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân oxy hóa

4.2 Nước ép táo

Nước ép táo chứa hàm lượng kali dồi dào, hỗ trợ chức năng của hệ thần kinh. Không những vậy, flavonoid và acid chlorogenic có trong nước ép quả táo giúp bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do, giảm nguy cơ mắc ung thư, bệnh tim mạch. Ngoài ra, uống nước ép táo thường xuyên giúp cung cấp folate, mangan, magie cùng các vitamin như vitamin C, vitamin K giúp tăng cường đề kháng, cải thiện sức khỏe toàn diện. 

Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), 100g nước ép táo chuyên chất sẽ chứa: 48 calo, 0.09g protein, 0.25g chất béo, 11g carbohydrate, 0.2g chất xơ, 38.6mg Vitamin C, 2µg Folate, 1.8mg Choline, 16µg lutein và zeaxanthin, 0.005mg Copperm 0.1µg Selenium, 0.005mg Thiamin, 0.017mg Riboflavin, 0.026mg Niacin, 0.015 Vitamin B6,...

Nước ép táo hỗ trợ chức năng thần kinh hiệu quả

Flavonoid và acid chlorogenic trong nước ép táo bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do

4.3 Nước ép mận khô

Nước ép mận khô chứa hàm lượng dồi dào các vitamin nhóm B, giúp hỗ trợ trao đổi chất, sản xuất tế bào hồng cầu. Bên cạnh đó, lượng chất xơ có trong loại nước ép này giúp tăng cường chức năng tiêu hóa. Không những vậy, các hoạt chất chống oxy hóa như vitamin C, phenolic sẽ giúp nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể. Tuy nhiên, do chứa khá nhiều đường, bạn chỉ nên uống một lượng nhỏ nước ép mận khô mỗi ngày. 

Theo USDA, 100g nước ép mận khô cung cấp 71 calo, 0.61g chất đạm, 0.03g chất béo, 17.4g carbohydrate, 1g chất xơ, 4.1mg vitamin C, 2µg beta - carotene, 40µg lutein và zeaxanthin, 0.12mg vitamin E, 3.4µg vitamin K, 12mg canxi, 1.18mg sắt, 14mg magie, 25mg photpho, 276mg kali, 0.21g kẽm,...

Nước ép mận khô hỗ trợ tăng cường miễn dịch cho cơ thể

Vitamin B trong nước ép mận khô giúp cơ thể trao đổi chất dễ dàng

4.4 Nước ép lựu

Nước ép lựu không chỉ được yêu thích bởi hương vị thơm ngon mà còn chứa rất nhiều chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe. Loại nước ép này chứa rất nhiều vitamin C và anthocyanin, giúp hỗ trợ miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại. Bên cạnh đó, hàm lượng vitamin K dồi dào có trong nước ép lựu hỗ trợ quá trình đông máu và mang đến nhiều lợi ích cho tim mạch, xương.

Theo USDA, giá trị dinh dưỡng có trong nước ép lựu gồm 54 calo, 0.15g protein, 0.29g chất béo, 13.1g carbohydrate, 0.037mg thiamin, 0.037mg riboflavin, 0.580mg niacin, 0.710 pantothenic acid, 0.1mg vitamin B6, 0.2mg vitamin C, 25.9µg vitamin K1, 12mg choline, 27.39mg canxi, 17.43mg magie, 532.86mg kali,...

Nước ép lựu chứa nhiều chất chống oxy hóa cho cơ thể

Vitamin K trong nước ép lựu giúp tim mạch khỏe mạnh 

4.5 Nước cam

Nước cam chứa rất nhiều vitamin C, hỗ trợ cơ thể tăng cường miễn dịch và tăng cường hấp thụ sắt. Bên cạnh đó, uống nước cam thường xuyên sẽ bổ sung hợp chất phenolic, như acid cinnamic, ferulic và chlorogenic giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương từ các gốc tự do, giảm nguy cơ mắc ung thư và các bệnh khác.

Theo USDA, 100g nước cam sẽ cung cấp 47 calo, 0.77g chất đạm, 0.34g chất béo, 10.2g carbohydrate, 0.3g chất xơ, 56g canxi, 0.06mg sắt, 181mg kali, 28.7mg vitamin C, 0.073mg thiamin, 0.039mg riboflavin, 0.042mg vitamin B6, 29µg Folate, 8µg beta - carotene, 8µg alpha - carotene, 27µg Cryptoxanthin, 278µg lutein và zeaxanthin,...

Nước cam chứa nhiều vitamin C

Uống nước cam thường xuyên sẽ bổ sung hợp chất phenolic cho cơ thể

4.6 Nước ép nho

Hàm lượng anthocyanins dồi dào trong nước ép nho có tác dụng chống oxy hóa, cải thiện chức năng não bộ. Uống nước ép nho hàng ngày có thể giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer - gây suy giảm nhận thức ở người cao tuổi. Bên cạnh đó, các khoáng chất có trong nước ép nho còn hỗ trợ cải thiện chức năng tuần hoàn, giảm lipid máu và cân bằng cholesterol.

Theo dữ liệu từ USDA, 100g nước ép nho cung cấp 66 calo, 0.18g protein, 0.28g chất véo, 15.7g carbohydrate, 0.2g chất xơ, 8mg canxi, 0.08mg sắt, 6mg magie, 12mg photpho, 50ml kali, 50.4mg vitamin C, 2µg Folate, 3.2mg Choline, 5µg beta - carotene, 57µg lutein và zeaxanthin,...

Nước ép nho chứa hàm lượng anthocyanins dồi dào

Nước ép nho chứa anthocyanins giúp chống oxy hóa tốt

4.7 Nước ép dưa hấu

Nước ép dưa hấu chứa nhiều chất điện giải, giúp cơ thể bù nước và thanh lọc hiệu quả. Bên cạnh đó, khoáng chất kali dồi dào có trong loại nước ép này hỗ trợ điều hòa huyết áp, bảo vệ thành mạch khỏi các tổn thương. Ngoài ra, nước ép từ dưa hấu chứa rất nhiều vitamin A, C, sẽ làm chậm quá trình lão hóa của làn da và cơ thể.

Theo USDA, 100g nước ép dưa hấu sẽ cung cấp cho cơ thể 30 calo, 0.61g chất đạm, 0.15g chất béo, 7.55g carbohydrate, 0.4g chất xơ, 10mg magie, 11mg photpho, 112mg kali, 8.1mg vitamin C, 0.178mg niacin, 0.045mg vitamin B6, 3µg Folate, 4.1mg Choline, 28µg Vitamin A, 303µg beta - carotene, 4530µg Lycopene,...

Nước ép dưa hấu giúp cơ thể thanh lọc hiệu quả

Nước ép dưa hấu chứa nhiều chất điện giải, giúp cơ thể bù nước rất tốt

5. Nên uống bao nhiêu nước ép trái cây mỗi ngày?

Lượng nước trái cây trung bình mỗi ngày cho trẻ em dao động từ 100 - 170ml và không quá 220ml đối với người lớn. Trẻ em dưới 1 tuổi không nên uống quá 100ml mỗi ngày. Lưu ý, đây chỉ là hàm lượng khuyến cáo. Tùy vào đặc điểm của từng loại trái cây, bạn nên điều chỉnh sao cho hợp với thể trạng nhất, chẳng hạn nước ép mận khô chứa nhiều đường tự nhiên nên chỉ uống một lượng ít.

Để phát huy được tối đa lợi ích của nước ép trái cây, bạn chỉ nên uống các loại nước ép hoa quả nguyên chất, tự nhiên, không thêm đường hay bất cứ hương liệu nào. Nếu tự làm ở nhà, hãy chọn mua trái cây hữu cơ, tươi ngon, không bị ép chín bởi hóa chất để mang lại hiệu quả tốt nhất cho sức khỏe!

6. Uống nước ép hoa quả khi nào là tốt nhất?

Nên uống nước ép trước bữa ăn sáng 20 - 30 phút, xen kẽ giữa các bữa ăn trong ngày hoặc sau mỗi khi vận động mạnh. Buổi sáng là thời điểm phù hợp để dạ dày hấp thụ chất dinh dưỡng và enzyme tốt nhất. Do đó, bạn nên bổ sung 1 cốc nước ép hoa quả tươi (trừ các loại nước có tính acid cao như cam, bưởi, chanh,...) trước khi ăn sáng từ 20-30 phút để cung cấp dưỡng chất cho cơ thể.

Ngoài ra, bạn cũng nên uống nước ép giữa các bữa ăn để tăng cường dinh dưỡng. Bên cạnh đó, sau mỗi lúc vận động mạnh, bổ sung nước ép trái cây sẽ giúp cấp nước và hồi phục năng lượng nhanh chóng cho cơ thể.

Lưu ý, không nên uống nước ép sau 7 giờ tối vì lúc này, cơ thể sẽ khó hấp thụ được dưỡng chất. Đặc biệt, chỉ nên uống nước ép trong vòng 2 giờ sau khi ép và tránh để nước tiếp xúc với không khí quá lâu.

Tìm hiểu chi tiết: Uống nước ép trái cây khi nào với tần suất như thế nào là tốt nhất?

7. Nên uống nước ép trái cây hay ăn trái cây trực tiếp

Nếu có thể, hãy ăn trái cây trực tiếp thay vì uống nước ép trái cây. Sau quá trình ép, hàm lượng dinh dưỡng trong nước ép không còn được giữ nguyên so với trái cây tươi. Đặc biệt, 90% chất xơ có trong trái cây sẽ nằm ở phần bã và bị loại bỏ sau khi ép. Đây là chất dinh dưỡng rất quan trọng cho cơ thể, giúp cải thiện tiêu hóa, kiểm soát đường huyết và điều hòa cholesterol trong máu.

Bên cạnh đó, sau khi ép, lượng nước thu được sẽ giữ theo hàm lượng đường tự nhiên. Do đó, khi uống nước ép trái cây, bạn tiêu thụ một lượng lớn đường, có thể gây hại cho sức khỏe. Do đó, việc ăn trái cây tươi trực tiếp sẽ mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe hơn so với uống nước ép trái cây.

Xem ngay công thức nước ép trái cây càng uống càng trẻ đẹp.

Ăn trái cây tươi tốt hơn uống nước ép trái cây

Hàm lượng dinh dưỡng của nước ép thấp hơn ăn trái cây trực tiếp

8. Uống nước ép trái cây có giúp giảm cân không?

Nước ép trái cây giúp giảm cân nhanh chóng, tuy nhiên cần phải sử dụng hợp lý. Nước trái cây chứa hàm lượng calo thấp. Do đó, nếu sử dụng nước ép thay cho các thực phẩm khác, cơ thể sẽ giảm cân nhanh chóng tuy nhiên có thể khiến bạn bị thiếu hụt năng lượng và dưỡng chất. 

Để giảm cân hiệu quả, hãy kết hợp nước ép hoa quả cùng các thực phẩm lành mạnh khác để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng mà cơ thể cần bạn nhé!

9. Có nên uống nước ép trái cây thay thế cho bữa ăn?

Không nên uống nước ép trái cây thay thế cho bữa ăn. Tuy đa dạng vitamin và khoáng chất, nước ép trái cây không thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng bởi chỉ chứa rất ít chất đạm và chất béo. Do đó, nếu chỉ uống nước ép mà không ăn, cơ thể của bạn sẽ không được cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết để phát triển.

Vì vậy, chỉ sử dụng nước ép trái cây như một thực phẩm bổ sung chứ không nên là bữa ăn chính. Thêm vào đó, hãy bổ sung thêm các thực phẩm lành mạnh khác như thịt, sữa, hạnh nhân, quả óc chó, rau xanh,... để cung cấp chất dinh dưỡng đa dạng, phong phú cho cơ thể.

Không nên lạm dụng nước ép trái cây thay cho bữa ăn

Kết hợp nước ép trái cây với các thực phẩm khác để chăm sóc sức khỏe hiệu quả

10. Những nguy cơ khi dùng nước ép trái cây

Lạm dụng nước ép trái cây có thể tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa và béo phì. Bên cạnh đó, một số loại nước ép có chứa nhiều oxalat, gia tăng nguy cơ mắc bệnh suy thận. Ngoài ra, hàm lượng chất xơ ít ỏi trong nước ép có thể khiến bạn mắc rối loạn đường huyết, các vấn đề về tim mạch hoặc huyết áp.

Vừa rồi, Vinamilk đã gợi ý các loại nước ép trái cây tốt cho sức khỏe và các thắc mắc xung quanh chủ đề này. Tuy mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, bạn không nên quá lạm dụng và cần kết hợp nước ép hoa quả với chế độ dinh dưỡng lành mạnh để chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất. 

Xem thêm: 

Các loại nước ép trái cây vfresh được ưa chuộng hiện nay