Sức Khoẻ Bệnh

17 CÁCH HẠ HUYẾT ÁP NHANH, AN TOÀN VÀ HIỆU QUẢ

Ngày đăng:

26/02/2024

 

Tăng huyết áp là tình trạng lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao hơn bình thường. Một người được xem là huyết áp cao khi có chỉ số huyết áp từ 140/90mmHg trở lên. Tình trạng này được xem là “kẻ giết người thầm lặng” bởi nếu không được kịp thời hạ huyết áp, người bệnh có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ đột quỵ và đau tim rất cao. Do đó, hạ huyết áp rất quan trọng đối với những người thường xuyên hoặc có tiền sử cao huyết áp. Sau đây là 17 cách hạ huyết áp tại nhà khẩn cấp, an toàn và hiệu quả. Mời các bạn cùng theo dõi!

Cách hạ huyết áp tại nhà khẩn cấp, an toàn, hiệu quả

1. Cách hạ huyết áp tại nhà trong trường hợp khẩn cấp

1.1. Massage tai và cổ giúp hạ huyết áp 

Khi bị tăng huyết áp đột ngột, bạn có thể hạ nhanh chóng bằng thực hiện massage tai và cổ. Tại đây có 3 vị trí massage quan trọng để giảm huyết áp. Các bước massage xung quanh 3 vị trí này như sau: 

  • Điểm massage đầu tiên nằm ở sau dái tai. Tại đây, kéo một đường thẳng xuống trung tâm của xương đòn chính là điểm thứ 2. Dùng ngón tay xoa bóp lên xuống nhẹ nhàng giữa 2 điểm này và lặp đi lặp lại khoảng 10 lần ở cả 2 bên cổ. 
  • Vị trí thứ 3 nằm ở trên khuôn mặt, cách dái tai khoảng 0,5cm. Dùng ngón tay massage vị trí này ở cả 2 bên tai theo chuyển động tròn với chiều ngược kim đồng hồ trong vòng khoảng 1 phút. 
  • Tiếp tục xoa bóp 3 vị trí trên để giảm căng thẳng cho cơ cổ và khôi phục tuần hoàn máu lên não.

Massage tai và cổ giúp giảm huyết áp

Bạn có thể hạ huyết áp nhanh chóng bằng thực hiện massage tai và cổ

1.2. Bấm huyệt

Bấm huyệt tại vị trí GB 20 hay wind pool cũng là một cách giúp giảm nhanh triệu chứng tăng huyết áp và giảm cơn đau đầu. Đây là điểm huyệt nằm ở phía đáy của hộp sọ và vùng trũng hai bên cột sống. Khi thực hiện bấm huyệt, bạn hãy dùng ngón tay cái ấn đồng thời lên cả 2 huyệt này trong vòng từ 1 - 2 phút. 

1.3. Tập thở bằng mũi trái

Thở sâu bằng mũi trái sẽ giúp thư giãn mạch máu và giảm hormone căng thẳng, tự đó hạ huyết áp một cách nhanh chóng. Các bước thực hiện tập thở bằng mũi trái như sau:

  • Ngồi trong tư thế thoải mái và thẳng lưng.
  • Đặt tay trái lên bụng.
  • Dùng ngón tay cái bịt mũi phải.
  • Hít một hơi thật sâu bằng mũi trái và giữ nguyên trong vòng vài giây, sau đó từ từ thở ra.
  • Hít thở sâu một cách từ từ chỉ bằng mũi trái trong vòng 3 - 5 phút.

Thở bằng mũi trái giúp giảm huyết áp

Thở sâu bằng mũi trái sẽ giúp hạ huyết áp một cách nhanh chóng

1.4. Thở bằng phương pháp tiếng ong

Phương pháp tiếng ong hay còn gọi là thở bhramari pranayama là một cách thở tương tự như tiếng ong rít. Không chỉ giúp hạ huyết áp nhanh chóng, phương pháp này còn giúp bạn thả lỏng tinh thần và giảm nhẹ các triệu chứng đau đầu, đau nửa đầu. Phương pháp tiếng ong được thực hiện như sau:

  • Ngồi trên sàn nhà trong tư thế thẳng lưng, thoải mái. 
  • Đặt 2 ngón tay trỏ vào vị trí sụn của 2 tai.
  • Hít vào một hơi sâu.
  • Thở ra từ từ. Lúc này, bạn sẽ phát ra một âm thanh tương tự như tiếng kêu vo ve của loài ong. 
  • Lặp lại các thao tác trên khoảng 7 - 10 lần.

1.5. Nghe nhạc cổ điển

Những bản nhạc cổ điển du dương, êm dịu cũng một cách đơn giản giúp bạn hạ nhanh triệu chứng tăng huyết áp. Nghe nhạc cổ điển kết hợp cùng thiền định hoặc tập thở sẽ giúp bạn thư giãn, giảm tiết cortisol và hormone căng thẳng. Bạn nên lựa chọn nghe những bản nhạc cổ điển không lời có ít sự thay đổi về nhịp điệu, âm lượng và không bị lặp lại một phần trong một khoảng thời gian nhất định.

Nhạc cổ điển giúp hạ huyết áp

Nghe những bản nhạc cổ điển giúp bạn hạ nhanh triệu chứng tăng huyết áp

1.6. Uống nước giúp hạ nhanh huyết áp 

Nghe thì có vẻ kỳ lạ, nhưng uống nước cũng chính là một cách đơn giản giúp hạ nhanh huyết áp mà có thể bạn chưa biết. Lý do là bởi trong một số trường hợp, nguyên nhân gây tăng huyết áp chính là do tình trạng mất nước. Khi cơ thể rơi vào trạng thái mất nước, thể tích máu sẽ giảm đi và làm sức cản ngoại biên trở lên lớn hơn. Do đó, bổ sung ngay một cốc nước sẽ giúp bạn khôi phục đủ lượng máu cho cơ thể và từ đó giúp hạ huyết áp. 

1.7. Thư giãn trong tư thế savasana

Savasana hay tư thế xác chết là một trạng thái nghỉ ngơi sau khi tập luyện yoga. Đây là tư thế nằm ngửa, dang rộng 2 chân 2 tay và thả lỏng hoàn toàn cả cơ thể cũng như tâm trí.

Nghỉ ngơi với tư thế Savasana này trong vòng khoảng 10 - 15 phút sẽ giúp các cơ bắp trên cơ thể bạn được thư giãn và cải thiện tốt tình trạng tăng huyết áp. 

Nghỉ ngơi với tư thế savasana

Tư thế savasana giúp cải thiện tốt tình trạng tăng huyết áp

1.8. Ngâm chân trong nước nóng

Khi ngâm chân trong nước nóng, phần đầu và cổ của bạn sẽ được làm mát giúp máu di chuyển từ đầu về chân, từ đó ổn định lại huyết áp về mức bình thường. Với cách làm này, bạn chỉ cần chuẩn bị một chậu nước nóng, sau đó ngồi trên ghế và ngâm chân trong chậu khoảng 10 - 15 phút.  

2. Cách hạ huyết áp tự nhiên, an toàn

2.1. Đảm bảo giấc ngủ dài và chất lượng

Thông thường, huyết áp sẽ giảm xuống trong lúc cơ thể đang ở trạng thái ngủ. Đấy cũng chính là lý do tại sao những người mất ngủ, thiếu ngủ thường có nguy cơ bị bệnh cao huyết áp lớn hơn bình thường. 

Để đảm bảo giấc ngủ đủ và chất lượng, bạn có thể thử một số cách sau đây:

  • Đi ngủ trước 23 giờ hàng ngày.
  • Nghe nhạc hoặc đọc sách thư giãn trước khi đi ngủ.
  • Không nên ngủ trưa quá lâu, chỉ nên ngủ từ 15 - 30 phút. 
  • Điều chỉnh các yếu tố giường nệm, nhiệt độ, ánh sáng,... để tạo điều kiện ngủ tốt nhất.

Ngủ đủ giấc phòng ngừa tăng huyết áp

Đảm bảo giấc ngủ đủ và chất lượng giúp phòng ngừa tăng huyết áp

2.2. Ăn tỏi hoặc bổ sung chiết xuất tỏi

Tỏi hoặc chiết xuất tỏi chính là một “thần dược” giúp giảm huyết áp hiệu quả.

Bổ sung tỏi mỗi ngày có thể giảm huyết áp tâm thu đến 5mmHg và giảm huyết áp tâm trương đến 2,5mmHg.

Ngoài ăn trực tiếp tỏi sống, bạn có thể chế biến nó cùng nhiều món ăn khác nhau để giảm bớt mùi hăng và dễ ăn hơn. Tuy nhiên lưu ý là không nên ăn quá nhiều để tránh gây ra tình trạng tụt huyết áp. Mỗi ngày bạn chỉ nên ăn từ 2 - 4 tép tỏi. 

2.3. Giảm căng thẳng

Căng thẳng thần kinh, đặc biệt là tình trạng căng thẳng lâu ngày chính là một trong những nguyên nhân gây ra cao huyết áp. Để tốt hơn cho sức khỏe, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn nhiều hơn. Hãy thử một vài hoạt động như thiền định, tập yoga, tập hít thở sâu,... hoặc làm những việc mà bạn yêu thích để giải tỏa áp lực, căng thẳng trong công việc, cuộc sống.

Giảm căng thẳng giúp hạ huyết áp

Giảm căng thẳng bằng cách ngồi thiền, tập yoga,... giúp hạ huyết áp hiệu quả

2.4. Cắt giảm lượng caffeine

Tác hại của caffeine đối với việc tăng huyết áp còn phụ thuộc vào việc bạn có sử dụng caffeine thường xuyên hay không.

Sử dụng caffein có thể khiến người người không thường xuyên dung nạp caffeine tăng huyết áp thêm đến 10mmHg, tuy nhiên với một số người đã sử dụng quen thì không có sự ảnh hưởng đáng kể. 

Cách tốt nhất để xác định caffeine có ảnh hưởng tới huyết áp của bạn hay không chính là đo lường huyết áp trong 30 phút sau khi uống đồ uống chứa caffeine/ Nếu thấy chỉ số huyết áp tăng từ 5 -  10mmHg thì bạn cần cắt giảm ngay lượng caffeine nạp vào cơ thể mỗi ngày. 

2.5. Không hút thuốc lá 

Thuốc lá chính là một tác nhân gây ra tăng huyết áp. Vì vậy, bạn nên tránh xa thuốc lá để đảm bảo duy trì huyết áp ổn định cũng như ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch.

Không hút thuốc lá

Nên tránh xa thuốc lá để đảm bảo duy trì huyết áp ổn định

2.6. Hạn chế rượu bia 

Uống nhiều đồ uống có cồn như rượu, bia,.. sẽ làm gia tăng chỉ số huyết áp. Bên cạnh đó với các bệnh nhân cao huyết áp đang sử dụng thuốc, cồn còn giảm làm hiệu quả của các loại này.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người không sử dụng hoặc chỉ sử dụng cồn ở mức độ vừa phải có thể giảm chỉ số huyết áp lên đến 4mmHg.

2.7. Giảm cân nếu bạn bị thừa cân – béo phì

Béo phì là một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị tăng huyết áp. Bên cạnh đó, người bị thừa cân còn dễ bị mắc phải chứng ngưng thở trong lúc ngủ - một trong những nguyên nhân gây ra tăng huyết áp. Do đó, những bạn bị béo phì nên cố gắng giảm cân để ổn định chỉ số huyết áp.

Thống kê cho thấy, mỗi kilogram giảm được sẽ góp phần giảm khoảng 1mmHg ở những người bị cao huyết áp. 

Trong quá trình giảm cân, bạn cũng nên chú ý giảm số đo vòng eo bởi chỉ số này cũng liên quan mật thiết đến tình trạng tăng huyết áp. Cụ thể là nguy cơ tăng huyết áp sẽ cao hơn ở các đối tượng:

  • Nam giới có số đo vòng eo >102cm
  • Phụ nữ có số đo vòng eo > 89cm

Giảm cân nếu bị thừa cân

Nên giảm cân và giảm số đo vòng eo hợp lý để hạ huyết áp

2.8. Tập thể dục thường xuyên

Để phòng ngừa tăng huyết áp, bạn cần lên kế hoạch duy trì luyện tập từ 30 – 60 phút/ ngày và 5 ngày/ tuần. Việc luyện tập còn giúp bạn tránh xa stress – một trong những nguyên nhân khiến huyết áp tăng cao. Các hình thức tập luyện tốt cho sức khoẻ mà bạn có thể chọn là đi bộ, bơi lội, các môn thể thao vừa sức …

2.9. Có chế độ ăn uống lành mạnh

Trong chế độ ăn uống hằng ngày, bạn cần tích cực sử dụng thực phẩm hỗ trợ hiệu quả trong việc phòng ngừa tăng huyết áp như:

  • Rau xanh và trái cây: Những loại trái cây mà bạn nên tích cực bổ sung vào khẩu phần dinh dưỡng hằng ngày là: Cam, quýt, bưởi, táo, bơ, dâu, thanh long, chuối, dưa hấu, thơm… Đây đều là những loại chứa vitamin E, C hoặc kali giúp phòng ngừa bệnh cao huyết áp hiệu quả.
  • Ngũ cốc thô: Ngoài tác dụng chống táo bón, chất xơ từ các loại ngũ cốc thô như gạo lứt, bo bo, bắp, yến mạch, bánh mì đen… còn có tác dụng hạn chế sự hấp thu cholesterol vào máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và tăng cường khả năng tiết axit mật hỗ trợ tiêu hóa.
  • Cá: Để bổ sung đạm, tốt nhất bạn nên dùng cá thay thịt, đặc biệt là 2 – 3 lần ăn cá biển mỗi tuần vì cá chứa nhiều axit béo không bão hòa, giúp giảm cholesterol máu.
  • Sử dụng chất béo không bão hòa: Để tiết giảm cholesterol, bạn nên dùng chất béo không bão hòa từ dầu oliu, dầu bắp, hướng dương, đậu nành… Ngoài ra, hãy thay các món chiên, xào bằng thức ăn nướng hoặc hấp để tốt cho sức khỏe nhé.

Song song với việc bổ sung các thực phẩm trên, bạn cũng cần lưu ý tránh những thực phẩm có thể gây tăng huyết áp như:

  • Muối: Việc giảm bớt thức ăn mặn có thể giúp giảm huyết áp. Qua đó, bạn không nên ăn thức ăn kho mặn, nước chấm mặn, các thực phẩm giàu natri như trứng vịt muối, thịt chà bông…
  • Chất béo bão hòa: Bạn cần tránh ăn thức ăn xào, chiên, lòng đỏ trứng gà, da hoặc nội tặng động vật, nước xương hầm…
  • Chất bột đường (glucid): Để giảm thiểu nguy cơ tăng huyết áp, bạn cần ăn vừa đủ lượng, cơm, bún, phở, đồng thời tránh các thực phẩm, trái cây nhiều ngọt như bánh kẹo, nước ngọt, mứt, xoài, nhãn, mít, vải, tươi…
  • Thịt đỏ: Đạm từ thịt bò, cừu, dê, chó sẽ làm tăng cholesterol dẫn đến tăng huyết áp nên bạn cần tránh sử dụng.
  • Thức ăn chế biến sẵn: Hãy hạn chế thịt xông khói, thịt muối, lạp xưởng, xúc xích vì đây đều là những thực phẩm chứa tỉ lệ muối và chất bảo quản cao.
  • Các chất kích thích: Cà phê, bia rượu, trà, gia vị cay nóng sẽ làm hưng phấn thần kinh, gây mất ngủ, rối loạn nhịp tim, từ đó tăng huyết áp.

Tìm hiểu thêm về bệnh huyết áp cao nên ăn gì?

Có chế độ ăn uống lành mạnh

Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp hỗ trợ hiệu quả trong việc phòng ngừa tăng huyết áp

Trên đây là 17 cách hạ huyết áp khẩn cấp, an toàn và hiệu quả bạn có thể áp dụng cho bản thân và gia đình khi gặp tình trạng tăng huyết áp. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe!