Nhật Ký Mẹ Bầu

BÀ BẦU THÁNG CUỐI KHÓ THỞ NGUY HIỂM KHÔNG? CÁCH KHẮC PHỤC

Ngày đăng:

26/02/2024

Khó thở khi mang thai là tình trạng phổ biến ở các mẹ bầu, đặc biệt là vào những tháng cuối thai kỳ. Mẹ bầu bị khó thở sẽ ở trong trạng thái mệt mỏi, thiếu oxy, hô hấp khó khăn, tức ngực và hơi thở ngắt quãng. Vây mẹ bầu tháng cuối khó thở có thật sự nguy hiểm không? Hãy cùng Vinamilk giải đáp thắc mắc, tìm hiểu nguyên nhân và cách để các mẹ khắc phục tình trạng này ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Bà bầu tháng cuối khó thở

Bà bầu tháng cuối khó thở có nguy hiểm không?

1. Bà bầu tháng cuối khó thở có nguy hiểm không?

Bà bầu tháng cuối khó thở không gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Do đó, các mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, tình trạng khó thở có thể khiến mẹ bầu khó chịu, mệt mỏi. 

Tình trạng này không chỉ xuất hiện ở những tháng cuối thai kỳ mà còn có thể xuất hiện trong tam cá nguyệt đầu tiên, hoặc thậm chí trong suốt thời kỳ mang thai. Một số triệu chứng khó thở khi mang thai như: tức ngực, hô hấp khó khăn, hơi thở ngắt quãng,...

Bên cạnh đó, trong một số ít trường hợp khó thở ở bà bầu có thể là biểu hiện của bệnh lý. Do đó, nếu tình trạng khó thở trở nên nghiêm trọng hoặc kèm theo các triệu chứng như: thở gấp, nhịp tim tăng cao kéo dài, đau khi thở, các ngón tay chân chuyển sang màu tím hoặc xanh,... mẹ bầu cần nhanh chóng đến bác sĩ thăm khám để tìm hiểu nguyên nhân và có hướng xử lý kịp thời.

Bầu tháng cuối khó thở không nguy hiểm

Bầu tháng cuối khó thở là tình trạng phổ biến và hầu hết không gây nguy hiểm

2. Nguyên nhân khiến bà bầu tháng cuối khó thở 

2.1 Thay đổi của hormone

Sự thay đổi một số hormone trong cơ thể, đặc biệt là sự gia tăng hormone progesterone sẽ làm mẹ bầu khó thở hơn. Sự tăng nồng độ hormone progesterone khi mang thai là điều hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, điều này sẽ kèm theo một số biểu hiện như tức ngực, khó thở.

2.2 Sự phát triển của tử cung

Trong quá trình mang thai, thai nhi không ngừng lớn lên dẫn đến tử cung cũng ngày càng giãn ra để thích nghi nên sẽ gây áp lực lên cơ hoành. Đây là cơ quan hỗ trợ lưu thông khí ở phổi nên sẽ ảnh hưởng đến hô hấp của mẹ bầu. Đặc biệt, đối với thai nhi thường xuyên quẫy đạp sẽ làm tình trạng khó thở trở nên trầm trọng hơn.

Ngoài ra, vị trí của phần đầu thai nhi cũng ảnh hưởng đến hô hấp của mẹ. Khi đầu trẻ nằm dưới xương sườn và đè lên cơ hoành sẽ làm mẹ gặp tình trạng khó thở khi mang thai tháng cuối. 

2.3 Thiếu máu

Thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng phổ biến khi mang thai. Vì lúc này, cơ thể cần nhiều sắt hơn để cấu tạo nên các tế bào hồng cầu, giúp nuôi dưỡng mẹ và thai nhi. Thiếu máu sẽ khiến các cơ quan trong cơ thể làm việc quá sức để bù đắp sự thiếu hụt. Do đó, bạn sẽ cảm thấy mất sức, khó thở. Ngoài ra, thiếu máu cũng sẽ khiến các bé thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết. 

Thiếu máu khiến bà bầu tháng cuối khó thở

Thiếu máu do thiếu sắt là nguyên nhân gây khó thở khi mang thai tháng cuối

2.4 Bệnh cơ tim chu sản

Bệnh cơ tim chu sản là một dạng khác của bệnh suy tim, có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai hoặc sau khi sinh con. Nếu mẹ bầu khó thở kèm theo các biểu hiện như: suy nhược, tụt huyết áp, hồi hộp, mắt cá chân sưng phù,... thì rất có thể mẹ đang mắc bệnh cơ tim chu sản. Lúc này, mẹ bầu cần đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện gần nhất kiểm tra để nắm rõ tình trạng bệnh và điều trị sớm nhất.

2.5 Hen suyễn

Khi mang thai, nếu thai phụ mắc bệnh hen suyễn có thể kèm theo biểu hiện tức ngực. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Vì vậy, nếu có triệu chứng tức ngực khi mắc bệnh hen suyễn, bạn cần chú ý và tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để có những phương án điều trị phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho thai nhi.

2.6 Thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi là tình trạng hình thành cục máu đông trong động mạch phổi gây tắc nghẽn đường thở ở phụ nữ mang thai. Mẹ bầu sẽ có các biểu hiện như: khó thở, ho, tức ngực. Lúc này mẹ nên đến các cơ sở y tế, bệnh viện để thăm khám và được bác sĩ tư vấn phương hướng điều trị. 

2.7 Giữ nước

Khi mang thai, một số mẹ bầu gặp tình trạng phù nề do giữ nước. Đây là một biểu hiện khá nghiêm trọng và thường gặp ở phụ nữ mang thai. Phù nề do giữ nước có thể ảnh hưởng đến phổi và xoang mũi, khiến mẹ bầu tháng cuối khó thở.

Phù nề khiến mẹ bầu tháng cuối khó thở

Phù nề do giữ nước có thể ảnh hưởng đến phổi và xoang mũi khiến mẹ bầu khó thở

2.8 Kích thước của thai nhi lớn hơn

Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu vẫn có thể cảm thấy khó thở liên tục khi thai nhi lớn dần lên do cần được cung cấp lượng oxy lớn để cho thai phát triển. Ngoài ra, khi kích thước thai tăng lên khiến tử cung mở rộng có thể gây chèn ép lên các cơ quan khác.

Thường bắt đầu từ tuần thứ 31, khi thai nhi lớn hơn sẽ chèn ép lên phổi khiến bà bầu khó thở và có hiện tượng thở nông kéo dài. Cho đến vài tuần cuối của thai kỳ khi thai đã di chuyển sâu về phía khung chậu chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ, áp lực đến phổi nhỏ hơn và mẹ bầu cũng cảm thấy ít khó thở hơn.

3. Cách làm giảm triệu chứng khó thở ở tháng cuối thai kỳ 

3.1 Duy trì một tư thế tốt khi đứng, nằm, ngồi

Khi bị khó thở khi mang thai tháng cuối, bà bầu có thể điều chỉnh tư thế để có thể hít thở dễ dàng hơn. Giữ thẳng lưng khi đứng hoặc ngồi sẽ giúp phổi được mở rộng, tiếp nhận oxy dễ dàng hơn.

Đối với tư thế nằm, mẹ nên nằm nghiêng sang trái, có thể chèn thêm gối vào lưng và phần thân trên để hạn chế việc thai nhi gây áp lực lên phổi.

3.2 Mặc quần áo thoải mái

Quần áo quá chật hoặc bó sát vào cơ thể cũng khiến mẹ bầu cảm thấy khó thở. Các mẹ nên ưu tiên lựa chọn những loại quần áo rộng rãi, thoải mái, đặc biệt là khi đi ngủ. Điều này sẽ giúp lưu thông máu tốt hơn và cải thiện tình trạng khó thở.

3.3 Tập thể dục nhẹ nhàng

Không chỉ giúp cơ thể cân đối, tập thể dục còn là phương pháp hiệu quả giúp cải thiện giấc ngủ, tăng cường lưu thông máu và điều hòa nhịp thở. Từ đó, giúp các mẹ bầu dễ hô hấp hơn. Mẹ bầu có thể lựa chọn các lớp tập thể dụng nhẹ nhàng như: yoga, ngồi thiền, đi bộ,... để điều hòa nhịp thở và nhịp tim.

Bà bầu tháng cuối khó thở nên tập thể dục

Mẹ bầu tháng cuối khó thở có thể tham gia các lớp tập thể dục nhẹ nhàng

3.4 Nghỉ ngơi

Bạn cần nghỉ ngơi ngay lập tức khi gặp tình trạng khó thở hoặc cảm thấy cần thiết. Vì phụ nữ khi mang thai không thể thực hiện các hoạt động thể chất như người bình thường. 

3.5 Thay đổi chế độ ăn uống

Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, mẹ bầu cần cân đối chế độ ăn uống hằng ngày để có thể được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, mẹ cần lưu ý bổ sung đầy đủ sắt để tránh gây tình trạng thiếu máu.

3.6 Tránh căng thẳng

Nếu mẹ bầu cảm thấy căng thẳng và lo lắng thì sẽ gặp tình trạng khó thở. Vì vậy, các mẹ cần tạo tâm lý thoải mái, tránh làm việc quá nhiều, nghỉ ngơi và thư giãn đúng cách để cải thiện tình trạng khó thở, mệt mỏi, cũng như không gây ảnh hưởng đến thai nhi.

3.7 Luyện tập thở

Mẹ bầu có thể luyện tập cách thở bằng bụng như sau: nằm ngửa tay đặt lên bụng, thư giãn cơ bụng và bắt đầu hít thở. Hít sâu, giữ nguyên hơi thở một vài giây và sau đó thở ra bằng miệng. Lặp lại động tác trong khoảng từ 5 - 10 phút.

3.8 Di chuyển chậm

Đi lại chậm rãi, nhẹ nhàng giúp làm giảm bớt áp lực lên phổi và tim. Khi cảm thấy khó thở, mẹ nên đứng dậy và di chuyển nhẹ nhàng hoặc ngồi thẳng lưng để giảm áp lực lên khung xương sườn.

Mẹ bầu khó thở nên di chuyển chậm

Mẹ bầu nên di chuyển chậm rãi để cải thiện tình trạng khó thở

4. Mẹ bầu tháng cuối khó thở khi nào thì đáng lo ngại?

Khi có các biểu hiện sau, mẹ bầu cần đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để thăm khám kịp thời:

  • Tình trạng hen suyễn trở nên nghiêm trọng.
  • Thở gấp, tim đập nhanh, nhịp tim tăng cao kéo dài.
  • Đau ngực hoặc cảm thấy đau khi thở.
  • Các ngón tay, chân và môi chuyển sang màu tím, xanh.
  • Thai phụ mắc bệnh mãn tính.

Mẹ bầu nên thăm khám khi có triệu chứng bất thường

Khi có các biểu hiện khác thường mẹ bầu cần đến cơ sở y tế để thăm khám

5. Lưu ý về chăm sóc sức khỏe thai kỳ mẹ bầu cần biết

  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân có hại như: khói thuốc lá, khói bụi, hóa chất hoặc tác nhân khiến bạn dị ứng.
  • Có chế độ ăn uống cân đối, lành mạnh.
  • Nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức.
  • Ở giai đoạn cuối thai kỳ, mẹ bầu nên di chuyển từ từ và nhẹ nhàng để giảm áp lực lên tim và phổi.
  • Đảm bảo môi trường sống gọn gàng, sạch sẽ. Có thể sử dụng thêm máy lọc không khí để giảm bụi và nấm mốc. Điều này giúp cải thiện hệ hô hấp cho cả gia đình.

Bà bầu cần ăn uống lành mạnh

Mẹ bầu cần có chế độ ăn uống lành mạnh để giúp thai nhi khỏe mạnh

Nhìn chung, bà bầu tháng cuối khó thở là tình trạng phổ biến, không đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu tình trạng khó thở trở nên nghiêm trọng và kèm theo một số biểu hiện khác thì mẹ bầu cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.